Nội dung cuốn sách Mãi mãi tuổi 20

Mãi mãi tuổi hai mươi được biết là tên biên tập cuốn Nhật ký chép tay “Chuyện đời” của tác giả Nguyễn Văn Thạc. Đây là cuốn sách được viết lúc bắt đầu vào ngày 2/10/1971 và kết thúc vào ngày 24/5/1972.

Với thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay, có lẽ cuốn sách “Mãi mãi tuổi 20” đã trở nên rất quen thuộc. Có lẽ cuốn sách này đã chạm lấy trái tim của không ít độc giả bởi sự chân thành, khát khao cống hiến, những trăn trở tuổi 20 mà tác giả Nguyễn Văn Thạc muốn gửi gắm.

Nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc là bức tranh sinh động đầy ý nghĩa kể về câu chuyện trong quân ngũ, những câu chuyện rất đỗi bình thường được thể hiện qua ngòi bút của chàng thanh niên trẻ, từng đạt giải nhất học sinh giỏi văn lớp 10 toàn miền Bắc.

Hình minh họa: Nội dung cuốn sách Mãi mãi tuổi 20 của tác giả Nguyễn Văn Thạc đã được tái bản nhiều lần

Đọc “Mãi mãi tuổi 20” bạn sẽ thấy hình ảnh của một vùng quê miền Bắc được tái hiện một cách đầy nhẹ nhàng, mộc mạc và tinh tế đến lạ thường. Tác giả không chỉ nhớ về quê hương trong những ngày hành quân mà còn tự hào về nó như cái cách mà tác giả thốt lên “Tự hào lắm khi được lang thang trên đất mẹ hiền này và bảo vệ nó,…”

Cuốn sách ấy còn cho ta biết được rằng, chỉ cần bước ra khỏi trang sách và sống cuộc đời của một người lính, tác giả hiểu được trách nhiệm của mình hơn. Trong mỗi chặng đường hành quân, mỗi trạm dừng chân đâu đó qua các cung đường khác nhau, Nguyễn Văn Thạc lại ghi chép một cách tỉ mỉ cột mốc đánh dấu cuộc đời mình.

Dẫu tuổi 20 còn chút bỡ ngỡ vì mất thăng bằng, nhưng cũng phải biết rằng, “10 mấy năm được sống dưới bầu trời thanh bình, mình chưa biết rằng, mình đã sống một đời cách mạng”.

Chính những lần hành quân đã giúp chàng trai trẻ trở nên gần gũi với cuộc sống thực tế hơn, đưa người con trai trẻ tuổi ấy dần bước ra khỏi trang giấy và biết cuộc đời cách mạng mang nhiều hi sinh gian khổ nhưng cũng đầy tự hào. Người chiến sĩ ấy đã bắt đầu tự hỏi lòng mình “Mình đã bắt đầu sống có trách nhiệm khi nào”.

Hình minh họa: Trong đường hành quân năm ấy, có người chiến sĩ binh nhì mang tên Nguyễn Văn Thạc

Xem thêm: Đọc hiểu Mãi mãi tuổi 20 Nhìn những ngọn núi xanh xa xa

Và rồi lại tự trả lời “Có lẽ là từ ngày 9/3/1971, tháng ba của hoa nhãn ban trưa, của hoa sấu và hoa bằng lăng nước”. Anh chàng quân nhân ấy tự hào, vui sướng biết bao nhiêu khi được khoác trên mình bộ quân phục màu xanh – “Một màu xanh bất diệt của sự sống”, của ước mơ, hi vọng, của đồi núi thảo nguyên,…

“Mãi mã tuổi 20” có lẽ vẫn nhạt nhòa và chưa đủ nếu thiếu đi dư vị của tình yêu. Thật vừa vặn thay, tác giả “Mãi mãi tuổi 20″ đã cho chúng ta thấy được một tình yêu đầy thơ mộng, trong sáng, mãnh liệt dù muôn trùng cách xa.

Chàng lính trẻ tên Thạc ấy đã dành một tình yêu đầy trong sáng và mãnh liệt cho người con gái tên Như Anh. Tình yêu đầu đời sao không khỏi xao xuyến và nhớ nhung!

Một tình yêu mà lớp trẻ ngày hôm nay khi nhìn lại thật đáng ngưỡng mộ khi nó được xây dựng trên sự hi sinh, chờ đợi thầm lặng trong muôn trùng nỗi nhớ cách xa.

Có lẽ những giây phút Thạc nhớ về Hà Nội, là nhớ về Như Anh, nhớ những ngày đi bên nhau trong hương đêm của mùa hè, của ngày thu lá vàng bay xào xạc,… Thế rồi, tác giả lại tự hỏi chính mình:”Như Anh bé nhỏ yêu dấu đem nay ở đâu? Thương Như Anh thật nhiều mà không biết phải nói sao.”

Tình yêu thời cách mạng thật đẹp biết bao nhiêu, thật ý nghĩa biết bao nhiêu khi dù khoảng cách có xa xôi cách trở, đôi tim vẫn mãi hướng về nhau. Chàng trai trẻ ấy đã không ngừng hi vọng, không ngừng ghi chép trong nhật ký tuổi 20 của mình rằng: “Chờ Thạc, Như Anh nhé”.

Hình minh họa: Mãi mãi tuổi 20 cùng với một số tác phẩm khác đã tạo nên kho tàng văn chương tuyệt vời kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Hãy chờ Thạc như những cô gái Việt Nam mãi trọn đời chung thủy với người yêu mình đang đi chiến đấu. Tình yêu năm 20 tuổi thời chiến tranh sao giản dị mà đầy mãnh liệt đến thế. Họ thực sự đã đặt lợi ích của bản thân ra sau cùng, đặt tình yêu Tổ quốc, yêu dân tộc lên trên hết. Thế hệ trẻ thanh niên những năm kháng chiến đã chẳng tiếc tuổi 20 xuân xanh mà ra đi tìm đường cứu nước, vì độc lập tự do cho dân tộc.

Nội dung cuốn sách “Mãi mãi tuổi 20” là dòng nhật ký đầy chân thật, gần gũi và bình dị ghi lại một thời chiến tranh ác liệt, những dấu chân người lính đi qua những vùng quê yên bình.

Những năm tháng đó, người con trai tên Nguyễn Văn Thạc trong từng dòng nhật ký của mình đã nhớ về quê hương miền Bắc đầy dấu yêu, ghi lại những hình ảnh đời thường qua mỗi chặng đường hành quân, hiểu và biết trách nhiệm thực sự của mình là gì đối với quê hương đang chinh chiến khói lửa. Tất nhiên, cuốn nhật ký này cũng khiến người đọc cay cay sống mũi khi nói về sự tha thiết thủy chung với mối tình sâu nặng với cô gái tên Như Anh.

“Mãi mãi tuổi 20” có lẽ là cuốn sách rất hay và ý nghĩa mà thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay cần tìm hiểu và suy ngẫm, để thấy được trách nhiệm, vai trò của mình đối với đất nước này, khi thế hệ cha anh lúc trước đã gây công xây dựng. Hi vọng với những chia sẻ về Nội dung cuốn sách Mãi mãi tuổi 20 trên đây có thể giúp bạn đọc hiểu hơn về tác phẩm văn học ý nghĩa này!

Xem thêm: >>>> Những tuổi 20 làm sao không tiếc Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi tổ quốc

>>>> Tuổi 20 với tổ quốc

Đức Hiếu